Một số thảo dược thay thế kháng sinh trị bệnh cho cá, tôm
17 Th8
Hiện nay người tiêu dùng đang có nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, điều này đồng nghĩa với việc phải hạn chế sử dụng các hoá chất, kháng sinh trong sản xuất nói chung và nuôi thủy sản nói riêng. Vì vậy, dùng các cây thảo mộc tự nhiên để phòng, trị bệnh trong nuôi thủy sản là một giải pháp hiệu quả, bền vững, tạo ra các thực phẩm an toàn phù hợp với xu thế. Có nhiều loại thảo mộc tự nhiên dễ tìm, dễ sử dụng, cho hiệu quả cao, cụ thể như sau:
Lá xoan (cây sầu đâu, sầu đông, xoan trắng):
– Vỏ và lá xoan có chứa steroid, có vị đắng, ngâm dưới nước có màu đen. Có tác dụng diệt trùng mỏ neo và trùng bánh xe.
– Cách dùng:
+ Trị bệnh: lấy cành lá xoan non bó thành lại đem ngâm trong ao nuôi cá đang có trùng mỏ neo, trùng bánh xe gây bệnh; cũng có thể ngâm trong bè hoặc vèo nuôi cá ở phía đầu nguồn nước với lượng 1,5 – 2,0 kg lá xoan/150 – 200 m2 ao đến khi thấy lá xoan bị mục thì vớt cành ra khỏi ao.
+ Phòng bệnh: định kỳ 15 ngày ngâm lá xoan trong ao một lần với liều lượng 10 kg cành lá/100 m2 ao; hoặc bón lót xuống ao với liều 0,3 kg/m3 trước khi thả cá vào ao ương 3 ngày.
Lá đu đủ tía (cây thầu dầu):
– Có vị đắng chứa hoạt chất Ricin, thường dùng để chữa bệnh loét mang, đốm đỏ ở cá.
– Cách dùng:
+ Trị bệnh: Lấy lá đu đủ tía bó thành bó ngâm xuống ao với lượng 2,5 – 3 kg lá/150 – 200 m2 ao. Đối với lồng nuôi cá ngâm 15 – 20 kg lá/8 – 10 m3 lồng.
+ Phòng bệnh: định kỳ 15 ngày ngâm lá đu đủ tía trong ao một lần với liều lượng 15 kg cành lá đu đủ tía/1.000 m2 ao.
Cây rau sam:
– Có chứa beltalan ankaloit dùng chữa bệnh viêm ruột do vi khuẩn cho cá trắm cỏ.
– Cách dùng:
+ Trị bệnh: lấy rau đem rửa sạch rồi thả vào khung cho cá ăn một lần/ngày, liên tục trong 5 – 7 ngày, với 1,5 – 3 kg rau/100 kg cá. Đối với cá giống, cần băm nhỏ rau rắc đều trên mặt ao, chú ý để cá thật đói rồi mới cho ăn.
+ Phòng bệnh: định kỳ 10 ngày cho cá ăn một lần với liều lượng 1 kg rau sam/100 kg cá.
Tỏi:
– Chứa Sulphur có tác dụng diệt khuẩn mạnh, phổ diệt khuẩn rộng với nhiều loại vi khuẩn.
– Cách dùng:
+ Dùng củ tỏi nghiền nát cho cá ăn liên tục 6 ngày (50 gram củ tỏi/10 kg cá). Ngoài ra, tỏi còn được dùng để phòng trị bệnh đường ruột trên tôm (bệnh phân trắng, ăn mòn vỏ kitin…), với liều lượng 10 – 15 g tỏi tươi nghiền nát trộn với 1 kg thức ăn/1 ngày, cho ăn 5 ngày liên tục/đợt/tháng.
Hạt cau:
– Chứa hoạt chất ankaloit làm giun sán không bám được vào thành ruột và bị đẩy ra ngoài, dùng để trị giun tròn ký sinh trong ruột cá.
– Cách dùng: Lấy hạt cau xay nhiễm, trộn vào thức ăn. Dụng 4 hạt cau/1 kg cá/1 ngày, cho ăn liên tục 3 ngày.
Dây thuốc cá:
– Chứa hoạt chất Rotenon, dùng để cá diệt tạp trong ao ương, nuôi tôm giống, thương phẩm.
– Cách dùng: Đập dập cây thuốc cá ngâm vào nước, rồi lấy nước tát xuống ao, sau 5 – 10 ngày cá tạp chết. Liều dùng 3 – 5 kg rễ cây/1.000 m2, nên giữ độ sâu của ao từ 15 – 20 cm để tăng hiệu quả của cây thuốc cá.