Bến Tre: Đầu tư hạ tầng, phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao

  • Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 16/08/2024 Ngày cập nhật: 17/8/2024

Năm 2024 đánh dấu một vụ nuôi tôm đầy biến động với những thách thức đáng kể đối với người nuôi tôm.

Tình hình giá cả thị trường và dịch bệnh trên con tôm khiến hộ nuôi gặp nhiều khó khăn, song điều này cũng thúc đẩy chuyển đổi từ phương pháp nuôi truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao (CNC).

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Thạnh Phú.

Giá tôm giảm sâu

Hiện nay, giá tôm thẻ loại 50 – 70 con/kg dao động khoảng 90 ngàn đồng/kg, trong khi loại 30 con/kg chỉ đạt mức 115 – 120 ngàn đồng/kg. So với trước đây, giá bán đã giảm mạnh từ 35 – 50 ngàn đồng/kg. Sự sụt giảm này đặt ra nhiều khó khăn cho người nuôi tôm, đặc biệt là những hộ dân phải vay ngân hàng để duy trì sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Đâu, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, so với những năm trước, giá tôm năm nay giảm đáng kể, nhưng ông nuôi có lời là do nguồn nước sạch, chi phí đầu vào xử lý nguồn nước ít, kỹ thuật nuôi có điều chỉnh giảm chi phí, do đó giúp giảm giá thành, đem lại lợi nhuận cao hơn. “Vụ thu hoạch vừa qua, mặc dù giá tôm giảm nhiều so với các năm trước nhưng tôi thu về lợi nhuận 6,7 tỷ đồng. Bình quân lợi nhuận gần 2 tỷ đồng/ha”, ông Đâu phấn khởi cho biết.

 
 

Còn theo ông Vũ Đình Hiệp, hộ có 14ha nuôi tôm CNC tại Thới Thuận cho rằng, nuôi tôm CNC cùng với việc cải tiến phương pháp nuôi, thiết kế ao và giảm chi phí trong xử lý ao nuôi sẽ giúp giảm giá thành đáng kể và nâng cao năng suất thu hoạch.

Ông Lê Văn Sấm, hộ nuôi tôm CNC thành công tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cũng cho rằng nghề nuôi tôm luôn tiềm ẩn rủi ro lớn. Khi giá tôm xuống thấp như hiện nay, nhiều người nuôi có nguy cơ rơi vào cảnh nợ nần, nhất là những hộ không có sẵn vốn mà phải dựa vào nguồn vốn vay. Đây là mối lo ngại chung của nhiều người dân nuôi tôm trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, ông Sấm chia sẻ: Để đạt được thành công và làm giàu từ nghề nuôi tôm, người nông dân cần mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm CNC. Mô hình này, dù yêu cầu đầu tư ban đầu lớn, nhưng mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với phương pháp nuôi truyền thống, đặc biệt khi giá bán tôm ổn định ở mức cao. Hiện tại, gia đình ông sở hữu tổng diện tích nuôi tôm CNC lên đến 45ha. Mỗi năm, với diện tích này, gia đình ông thu hoạch khoảng 500 – 700 tấn tôm nguyên liệu, mang lại lợi nhuận khoảng 40 tỷ đồng.

Đầu tư hạ tầng vùng nuôi

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng cuối năm 2024, giá tôm nguyên liệu có thể tăng 20%. Đây là tín hiệu vui để tác động người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh phát triển diện tích nuôi tôm CNC còn lại với khoảng 170ha trong kế hoạch phát triển 500ha của năm 2024.

Xác định thủy sản là một trong hai ngành kinh tế mũi nhọn, lấy đối tượng xuất khẩu làm chủ lực phát triển, tỉnh hiện tập trung trên 5 đối tượng nuôi chủ yếu gồm tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá tra, nghêu và tôm càng xanh. Trong đó, tôm nước lợ chiếm 76% cơ cấu diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh, với khoảng 36.300ha.

 
 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết, tỉnh đặt mục tiêu phát triển diện tích nuôi tôm CNC đạt 4.000ha vào cuối năm 2025. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm biển ứng dụng CNC tại địa phương đã đạt kết quả khả quan. Hiện đã phát triển được hơn 3.430ha, đạt 85,76% kế hoạch; sản lượng tôm nuôi ước đạt 160.188 tấn.

Để phát triển mô hình nuôi tôm CNC, thời gian qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi ở các địa phương ven biển. Hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng CNC huyện Ba Tri tại xã An Thủy (nay là Thị trấn Tiệm Tôm) và xã Bảo Thuận với diện tích 27,14ha. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn. Với tổng mức đầu tư khoảng 164 tỷ đồng. Dự án nhằm đảm bảo hạ tầng giao thông, điện phục vụ sản xuất ổn định, bền vững cho vùng nuôi trồng thủy sản với khoảng 2.000ha, trong đó có 500ha được quy hoạch nuôi tôm theo mô hình CNC tại xã Bảo Thuận và xã An Thủy. Dự án này cũng nhằm góp phần thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản và cải thiện đời sống cho người dân trong vùng dự án.

Đến nay, dự án đã đầu tư xây dựng 6 tuyến đường giao thông phục vụ sản xuất có chiều dài khoảng 18,483km đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp A, đường cấp V, cấp VI đồng bằng và các công trình trên tuyến (1 cầu và 18 cống). xây dựng mới tuyến điện trung thế 3 pha dài 24,212km. Đến nay, vốn kế hoạch năm 2024 đã giải ngân 40 tỷ đạt 100% vốn được giao trong năm 2024. Lũy kế giá trị giải ngân 133,89 tỷ đồng. Để dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét bổ sung vốn còn thiếu khoảng 29,2 tỷ đồng để chủ đầu tư giải ngân cho các nhà thầu hoàn thành dự án trong năm 2024.

 
 

Nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu sớm hơn và nâng cao hiệu quả tối đa của dự án đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đề nghị Cục Thủy sản xem xét tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh chủ trương và bổ sung kinh phí (khoảng 75 tỷ đồng) để thực hiện mở rộng tuyến ĐX.02 đường Cồn Nhàn – Cồn Ngoài (từ ĐH.16 đến tuyến đường ven biển); Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng dự án hạ tầng vùng nuôi tôm công nghệ cao huyện Thạnh Phú, khoảng 300 tỷ đồng; dự án sửa chữa, nâng cấp và mở rộng cảng cá Bình Đại để phục vụ tốt tầm nhìn hướng Đông của tỉnh.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Gọi ngay