Chất giải độc gan dùng trong nuôi tôm thẻ chân trắng
21 Th9
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu tuyến gan tụy trên tôm là gì? Tuyến gan tuỵ của tôm là một hệ thống ống nhỏ, cuối hệ thống ống này đổ vào phần trước của ruột giữa.
Trong đó, tuyến gan tuỵ tôm đóng vai trò là cơ quan tiêu hoá chính và hấp thu chất dinh dưỡng. Gan tuỵ tôm cũng là nơi lưu trữ chất dinh dưỡng, khoáng chất. Đó là nơi tiết ra các enzyme tiêu hoá như Pepsin, Trypsin, Esterase, Proteaza, Amylaza… Gan tuỵ tôm có thể lọc và giải độc tố, giúp giảm stress cho tôm. Chúng tham gia vào quá trình tạo máu, hỗ trợ các miễn dịch.
Gan tuỵ tôm là một trong những cơ quan quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình bài tiết, tham gia điều khiển quá trình tiền lột xác, một giai đoạn trước khi quá trình lột xác trên tôm xảy ra. Trước khi quá trình lột xác trên tôm diễn ra, luôn có sự tích lũy có tính chu kỳ các dự trữ hữu cơ, là một đặc trưng có ý nghĩa và quan trọng của sinh lý giáp xác nói chung và của loài tôm nói riêng. Những dự trữ hữu cơ này, phần lớn chứa trong gan tụy, dùng để thỏa mãn nhu cầu đặc biệt về nguyên liệu và năng lượng xảy ra trong quá trình lột xác. Bên cạnh đó, một vai trò rất quan trọng của gan là việc loại bỏ các chất độc sinh ra trong quá trình trao đổi chất, độc tố do nấm mốc và kháng sinh gây ra khi điều trị bệnh nhiễm khuẩn trên tôm. Tại gan, những chất độc này được chuyển hóa thành những chất không độc, trước khi loại thải ra khỏi cơ thể, bằng một loạt các phản ứng sinh hóa phức tạp.
Nguyên nhân gây ảnh hưởng chức năng gan tụy
Sử dụng kháng sinh cho tôm quá mức
Có rất nhiều nguyên nhân tác động, gây ảnh hưởng đến chức năng gan tuỵ. Nuôi tôm hiện nay, trước diễn biến thời tiết, khí hậu, môi trường nuôi liên tục biến động, sử dụng thuốc, hoá chất, phân vôi… được sử dụng rất thường xuyên trong ao nuôi. Hầu hết các mô hình, từ nuôi ao đất, ao lót bạt, ao công nghệ cao, nuôi tôm mật độ thưa, nuôi tôm mật độ cao…đều thường xuyên sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi, đây được xem là yếu tố trực tiếp gây ảnh hưởng đến hệ gan tuỵ tôm. Các hộ nuôi tôm sử dụng kháng sinh, với nhiều mục đích khác nhau. Từ phòng bệnh, cho ăn hàng ngày với liều lượng khác nhau, đến dùng kháng sinh để điều trị, khi dịch bệnh xảy ra.
Việc phối hợp cùng lúc 2, thậm chí là 3 loại kháng sinh để điều trị bệnh, nhưng không nắm rõ cơ chế phối hợp thuốc, chưa nắm rõ được các yếu tố như hoạt tính dược lực, chỉ định sử dụng, đặc biệt là tương tác thuốc giữa các nhóm kháng sinh, đề kháng kháng sinh, thu hẹp phổ kháng khuẩn khiến cho việc điều trị không những không hiệu quả mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm.
Việc sử dụng kháng sinh như trên, vô hình dung tác động tiêu cực đến tôm, gây chậm lớn, chai còi, dị hình, dị tật, ảnh hưởng tỷ lệ sống. Quan trọng nhất, chính là việc dùng lạm dụng thuốc kháng sinh đã làm tổn hại đến chức năng gan tuỵ của tôm. Do thời gian sử dụng kháng sinh kéo dài, không tập trung giải độc, phục hồi chức năng gan tuỵ, làm gan bị chai, bở, teo nhỏ, chuyển màu vàng, gây rối loạn chức năng hoạt động. Gan tuỵ tôm không thể hấp thu, không thể chuyển hoá thức ăn, mất chức năng biến dưỡng Protein của gan. Gan mất khả năng chuyển hoá các độc tố, mất khả năng lọc, ngăn chặn các chất độc hại vào cơ thể tôm.
Do tôm bị stress
Có rất nhiều nguyên nhân làm tôm bị Stress như thời tiết, khí hậu, môi trường thay đổi đột ngột, tác động mạnh, làm tôm bị stress. Khi thả tôm xuống ao, trong điều kiện các yếu tố môi trường chưa phù hợp có thể gây stress cho tôm. Hoặc là khi chuyển tôm sang môi trường mới, việc chuẩn bị môi trường mới chưa tốt, tôm chưa làm quen được cũng là nguyên nhân gây stress. Khi dịch bệnh thâm nhập vào ao nuôi, việc điều trị không mang lại kết quả, bệnh bùng phát, cũng tác động gây stress tôm. Và còn rất nhiều lý do khác khiến cho tôm bị stress.
Do quá trình cho tôm ăn và thức ăn cho tôm ăn.
Nên chọn lựa một loại thức ăn theo tiêu chuẩn như đều cỡ, kích thước viên thức ăn đồng nhất, màu nâu sẫm. Viên thức ăn bóng, mịn, ít bụi, đường kính viên thức ăn phẳng, vết cắt gọn, không mẻ, có mùi thơm hấp dẫn, có thể giữ được hình dạng ban đầu khi ngâm lâu trong nước và giữ được mùi thơm khi ngâm trong nước là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tôm có ăn thức ăn hay không. Người nuôi luôn cho rằng cho tôm ăn nhiều, lượng thức ăn nhiều hơn so với nhu cầu là tốt. Tuy nhiên, một vấn đề nghịch lý, một thực tế đang diễn ra trong quá trình nuôi tôm hiện nay, đó là tôm không chết vì đói mà chết vì người nuôi cho ăn quá nhiều. Khi cho tôm ăn nhiều, gan tuỵ liên tục tiết các Enzyme khiến cho gan hoạt đông quá mức, điều này gây ra các tổn thương cho gan tuỵ. Khi đó, gan tuỵ tôm không có thời gian để nghĩ ngơi, hồi phục, rất dễ tổn thương, mất chức năng.
Trường hợp và tình trạng gan tôm nhiễm độc do các nguyên nhân như tôm nhiễm vi rút, vi khuẩn, nguồn lây từ tôm bố mẹ, do hệ miễn dịch kém, bị tác động bởi thời tiết, khí hậu, môi trường diễn biến xấu, biến động không phù hợp với tôm trong ao cũng thường xuyên xảy ra. Một phần là do sử dụng hoá chất công nghiệp, sử dụng thuốc kháng sinh quá mức, sử dụng các loại thuốc cấm và do sự hình thành của tảo độc, chất lượng nước trong ao ô nhiễm, nhiều khí độc khiến cho gan tuỵ mất chức năng, khả năng miễn dịch kém, sức khỏe tôm suy giảm, tôm ốp thân, vỏ mềm, ăn kém, phân đàn…Khi tôm mất chức năng gan tuỵ, gan sưng, gan có màu đỏ nâu, có thể là hiện tượng sơ gan giai đoạn đầu, có thể trong nắp mang có nốt sưng, đó gọi là sưng gan, lúc này tôm vẫn còn ăn được.Khi tôm khoẻ, gan tuỵ sẽ đầy đặn, thường có màu nâu vàng, nâu đen. Khi bóp bể, dịch có màu nâu vàng, sệt, không chai. Khi gan tuỵ tôm bị tàn phá, chúng sẽ chuyển từ màu nâu sẫm sang nâu sáng, hoặc đỏ sẫm, gan có dấu hiệu sưng nhẹ, vàng nhợt nhạt. Gan sau đó chuyển sang màu hơi trắng, bắt đầu có biểu hiện màu nhợt nhạt, gan tuỵ co rút, teo nhỏ. Sau cùng, gan chuyển sang màu trắng bợt, bở, khiến cho cấu trúc gan mất hoàn toàn.
Vậy chúng ta cần làm gì để gan tụy tôm luôn luôn khỏe mạnh?
Sử dụng thuốc kháng sinh trong mức độ cho phép
Câu hỏi đặt ra cho người nuôi thuỷ sản đó là, mục đích của việc dùng kháng sinh lần này, đợt này của Cô Chú Anh Chị Em là gì ? Bà con phòng bệnh, hay trị bệnh ? Nếu bà con dùng kháng sinh phòng bệnh, có nhiều biện pháp khác tối ưu hơn, không cần thiết sử dụng kháng sinh.
Còn nếu bà con dùng kháng sinh để điều trị bệnh thì cần làm như thế nào?
Về nguyên tắc sử dụng kháng sinh, để việc điều trị bằng kháng sinh đạt hiệu quả cần phải tìm hiểu về các loại kháng sinh, xác định kháng sinh có hiệu quả với chủng gây bệnh cụ thể hay không. Quan trọng là chúng ta sử dụng đúng thuốc, đúng mục đích, dùng đúng liều lượng, tuân thủ thời gian ngưng thuốc và tuyệt đối không dùng thuốc cấm. Về môi trường, nên chủ động kiểm soát thông qua việc thay nước mới, vệ sinh đáy ao thường xuyên, tăng cường quạt nước, oxy sủi, cung cấp đủ oxy để tôm hoạt động, phát triển. Nên dùng thường xuyên chế phẩm sinh học và xử lý nguồn nước, đáy ao.
Sử dụng các thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho tôm có chứa các chất hỗ trợ gan
Các chất được sử dụng phổ biến cho tôm như Sorbitol, Inositol, Choline và Methionine. Sorbitol có vai trò kích thích sự tiết mật và các enzyme tiêu hóa, giúp quá trình tiêu hóa thức ăn đạt hiệu quả cao hơn. Sorbitol giúp tôm kích thích tiết ra một số hormone duy trì hoạt động bình thường của gan và cơ thể. Inositol, Choline, giúp tôm tăng cường sử dụng chất béo, làm giảm tích lũy chất béo trong gan và cơ thể. Mặt khác, chúng giúp tăng cường chuyển hóa chất béo tích lũy trong gan thành phospholipid, có tác dụng giảm hàm lượng chất béo trong gan, cung cấp phospholipid cho nhu cầu của tôm. Sự hiện diện của Sorbitol, Inositol, Choline và Methionine trong chế phẩm nhằm tăng cường chức năng gan, hỗ trợ gan loại thải hiệu quả chất độc ra khỏi cơ thể của tôm và duy trì các hoạt động ở mức bình thường, giúp tôm nuôi sinh trưởng, phát triển nhanh, duy trì tình trạng sức khỏe tốt, ít bệnh. Sau khi sử dụng các chất trên, chúng ta nên bổ sung, sử dụng kèm theo những chất hỗ trợ gan như Beta glucan, Premix, men tiêu hoá… giúp hỗ trợ, tôm phục hồi chức năng gan
Lưu ý, trong quá trình nuôi, sau khi dùng kháng sinh liên tục 3 ngày, bà con nên ngưng thuốc, tập trung giải độc gan, phục hồi chức năng gan tuỵ. Sau khi sổ ký sinh trùng, sau khi diệt khuẩn nước, khi thời tiết, khí hậu, môi trường thay đổi…cần dùng chất hỗ trợ gan và những chất bổ sung đã nói ở trên, chủ động phục hồi chức năng gan tuỵ tôm. Với mô hình nuôi thâm canh, tôm dễ bị stress do mật độ nuôi dày, chất lượng môi trường thay đổi theo chiều hướng xấu, thức ăn bị nhiễm độc tố nấm do điều kiện bảo quản không phù hợp. Chính những yếu tố trên sẽ làm suy giảm chức năng gan, làm giảm tốc độ tăng trưởng của tôm. Việc sử dụng các chất trên, giúp tăng cường chức năng gan, là cần thiết và quan trọng.