Gồng mình vượt khó để duy trì sản xuất những tháng qua, DN thủy sản kỳ vọng 4 tháng cuối năm 2023 nguồn nguyên liệu sẽ dồi dào hơn để chuẩn bị đơn hàng cho mùa lễ hội cuối năm và năm mới.
Sơ chế hàng xuất khẩu ở Công ty Baseafood (cơ sở TP.Bà Rịa).
Thiếu nguyên liệu, lao động mất việc
Công ty TNHH Thủy sản Ngọc Thủy (xã Phước Hưng, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), chuyên xuất khẩu hải sản đi thị trường Trung Quốc có hàng trăm lao động. Từ đầu năm đến nay, do thiếu nguyên liệu chế biến nên công ty phải cắt giảm giờ làm. Ông Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc công ty cho biết, công ty đã phải từ chối nhiều đơn hàng vì không có nguyên liệu. Doanh thu giảm 60-70% so với năm ngoái. “Trước đây, mỗi tháng công ty xuất khẩu mấy công (container-PV) hải sản, giờ mấy tháng chưa được 1 công”, ông Ngọc thở dài.
Không có hàng để làm nên mấy tháng gần đây, ông Ngọc buộc phải cho công nhân nghỉ hết, chỉ còn bộ phận quản lý. Khi nào thu mua được nguyên liệu, ông lại thuê mướn lao động làm thời vụ, trả công theo ngày hoặc theo sản phẩm. Để giữ chân lao động, công ty có chính sách hỗ trợ gạo cho những lao động lâu năm, có tay nghề.
Tương tự, từ đầu năm đến nay, Cơ sở chế biến hải sản Năm Cường (TT.Long Hải, huyện Long Điền) cũng không còn cảnh nhộn nhịp, lao động tấp nập làm việc như mấy năm trước. Cơ sở này chuyên sơ chế cá trích cung ứng cho các DN xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2022, Cơ sở Năm Cường gia công xuất khẩu được hơn 50 tấn cá trích nhưng năm 2023 sản lượng chưa được 1/3 do thiếu nguyên liệu chế biến.
“Đầu năm đơn hàng giảm, chỉ được 6 tháng cuối năm do vào mùa hè, lễ hội, Tết đơn hàng có tăng lên. Thế nhưng nguồn cung nguyên liệu vẫn rất nhỏ giọt. Ngư dân đi biển không có cá trích hoặc có thì rất ít và cá nhỏ không xuất khẩu được”, bà Năm Cường – chủ cơ sở cho biết. Không có hàng làm nên cơ sở cho lao động nghỉ việc, chỉ giữ một số ít lao động thâm niên, có tay nghề thay phiên làm để duy trì hoạt động và làm các đơn hàng nhỏ.
Các DN lớn cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Ngô Viết Hoài, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood) cho biết, Xí nghiệp chế biến thủy sản 3 ở KCN Lộc An (huyện Đất Đỏ) mà ông được giao phụ trách cũng đang thiếu nguyên liệu trầm trọng. Nguồn nguyên liệu thủy hải sản trong nước chỉ được 10-15% nhu cầu của công ty. Công ty đã tăng giá thu mua nguyên liệu lên 10-15% trong khi giá xuất khẩu giảm khiến lợi nhuận giảm mạnh.
Thương lái thu mua cá trích ở cảng cá Long Hải cung ứng cho DN xuất khẩu.
Kỳ vọng thị trường cuối năm
Tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, cùng với sức tiêu thụ giảm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đã khiến doanh thu xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm sụt giảm mạnh. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,2 tỷ USD, giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, một số thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm mạnh. Cụ thể, thị trường Mỹ giảm tới 46%, Trung Quốc và Hong Kong giảm 22%, Hà Lan giảm 43%…
Để giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu, chuẩn bị đơn hàng cho các tháng cuối năm, một số DN đã tính chuyện mở rộng địa bàn thu mua ra miền Trung, thậm chí miền Bắc và xuống miền Tây. Đồng thời, đẩy mạnh việc ký hợp đồng mua bán lâu dài với giá tốt và thực hiện chính sách chăm lo cho ngư dân, hỗ trợ khi gặp khó khăn.
Theo Sở Công Thương, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt hơn 90 triệu USD, giảm gần 15% so với cùng kỳ năm 2022. Toàn tỉnh có khoảng 120 DN với gần 300 cơ sở sơ chế, chế biến thủy hải sản nhỏ lẻ, tổng công suất khoảng 250 ngàn tấn thành phẩm/năm. Các sản phẩm chế biến chủ yếu là cá, mực, bạch tuộc, cua, ghẹ đông lạnh, surimi các loại, thủy sản khô, nước mắm, bột cá…
Tại Baseafood, để giải bài toán thiếu nguyên liệu trong nước, công ty đã mở rộng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước trên thế giới. Năm 2022, Baseafood nhập khẩu khoảng 9 triệu USD nguyên liệu từ các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia… Năm nay, công ty đã mở rộng nhập khẩu thêm từ các nước Ấn Độ, Chile, Tây Ban Nha, Na Uy, Úc, New Zealand… Gần nhất, công ty cũng đã nhập khẩu thêm nguyên liệu từ Nhật Bản sau đó tinh chế, chế biến sâu, mở rộng nguồn sản phẩm cao cấp phục vụ cho người già, người bệnh, trẻ nhỏ và tái xuất khẩu lại sang các nước này.
Các DN kỳ vọng những tháng cuối năm tình hình xuất khẩu sẽ khả quan hơn bởi nhu cầu nhập khẩu của các thị trường như Mỹ, Trung Quốc đang có xu hướng tăng trở lại, khi lượng tồn kho đang vơi dần và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới.