Gặp gỡ các nhà mua hàng từ 18 nước trên thế giới để tìm đầu ra cho con tôm
29 Th7
Tại hội nghị chiều 28-7, ông Lê Văn Sử – phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – cho biết tỉnh Cà Mau có nhiều tiềm năng và thế mạnh về nuôi tôm và chế biến xuất khẩu tôm. Các sản phẩm thủy sản của tỉnh, trong đó có con tôm đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Các công ty chế biến thủy sản tại Cà Mau có nhiều đóng góp giúp kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,3 tỉ USD vào năm vừa rồi. Riêng mặt hàng tôm đã chiếm 72% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, chiếm 23,3% cả nước.
Dù có thế mạnh, nhưng những tháng vừa qua việc xuất khẩu thủy sản ở Cà Mau gặp rất nhiều khó khăn.
Tại hội nghị này mong rằng các chuyên gia, các nhà mua trên thế giới có những chia sẻ về kinh nghiệm, ký kết hợp tác với doanh nghiệp ở Cà Mau để phát triển bền vững hơn ngành thủy sản”, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau mong muốn.
Tôm Cà Mau đã được nhiều tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng trong và ngoài nước như: ASC, B.A.P, EU Organic, Canada Organic, Bio Suisse, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, Naturland…
“Tôi rất ấn tượng với cách làm của các bạn để phát triển bền vững con tôm, không phá hủy môi trường. Hình thức phát triển tôm rừng và tôm lúa là những cách làm thông minh hướng đến nền sản xuất bền vững và thân thiện”, tiến sĩ Georgy Chamberlain – chủ tịch Trung tâm Thủy sản có trách nhiệm – chia sẻ.
Đoàn chuyên gia thủy sản và các nhà mua đến từ các nước trên thế giới đã trực tiếp tham quan vùng nuôi tôm rừng sinh thái tại huyện Ngọc Hiển, tham quan khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao của Công ty Việt Úc, các nhà máy chế biến và xuất khẩu thủy sản tại Cà Mau.
Qua chương trình tham quan, gặp gỡ và trao đổi lẫn nhau, các nhà mua và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản tại Cà Mau đã giới thiệu đến các đại biểu năng lực sản xuất, chế biến, định hướng phát triển của công ty.
Tỉnh Cà Mau hiện có 41 nhà máy chế biến thủy sản với hơn 20.000 công nhân. Tổng công suất sản xuất, chế biến của các nhà máy ước đạt gần 250.000 tấn/năm.