Nuôi tảo xoắn ở Bắc Ninh

  • Trong khoảng 3 năm gần đây, nhiều người đi qua khu vực Cầu Tè – nằm ven đê sông Đuống đường dẫn về Cảnh Hưng – Tiên Du đối diện Chùa Phật tích qua tỉnh lộ 295, đều nhìn thấy một khu nhà kính nhỏ gọn bên trong có một hệ thống bể nước, có quạt tạo sóng, tạo dòng chảy đối lưu và tự hỏi không biết trong đó nghiên cứu thí nghiệm gì?
  • Qua tìm hiểu chúng tôi biết đó là một mô hình nuôi tảo xoắn của gia đình anh Nguyễn Hoàng Nam, trú tại thôn Phật Tích, xã Phật Tích, Tiên Du, và đúng nó mới lạ với tất cả chúng tôi và mọi người qua đây vì có lẽ nó là mô hình nuôi tảo xoắn đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
  •  
  • Hệ thống bể nuôi tảo xoắn của anh Nam
  • Anh Nam đã bắt đầu triển khai xây dựng mô hình nuôi tảo xoắn này từ năm 2011 qua một lần tình cờ gặp gỡ và nói chuyện với một tiến sỹ hàng đầu về ngành tảo của Việt Nam.
  • Anh cho biết, qua học hỏi và tìm hiểu thêm anh biết tảo xoắn có tên khoa học là Spirulina, hiện đang được người tiêu dùng ngày càng quan tâm do có nhiều giá trị dinh dưỡng và được sử dụng như là một loại thực phẩm chức năng có tác dụng tốt trong việc cải thiện sức khỏe con người. Trong vài năm gần đây, nhu cầu của thị trường khu vực phía Bắc nước ta đang tăng lên nhanh chóng nhưng vẫn còn đang bị bỏ ngỏ bởi rất ít người biết đến và quan tâm nuôi trồng. Biết được điều đó và dưới sự giúp đỡ hướng dẫn của vị tiến sỹ nói trên anh đã bàn bạc với gia đình mạnh dạn đầu tư nghiên cứu và hiện đã xây dựng thành công mô hình nuôi trồng tảo xoắn đầu tiên ở Tiên Du – Bắc Ninh.
  • Theo anh Nam, ban đầu anh cho xây dựng 1 bể nuôi với diện tích hơn 100m², với thiết kế khá đơn giản – được xây bằng xi măng gạch, mái che bằng nylon trắng với hệ thống rào lưới xung quanh. Tất cả các khâu kỹ thuật từ lắp quạt nước, lấy giống và kỹ thuật chăm sóc tảo, anh đều tham khảo tư vấn từ các chuyên gia. Sau 3 năm thử nghiệm nuôi trồng, đến nay ngoài khu bể nuôi trồng kể trên, anh cũng đã xây dựng được 01 phòng thí nghiệm riêng để nuôi cấy tảo giống, với chi phí gần 200 triệu đồng, mục đích để chủ động nguồn giống cho sản xuất. Quy trình ươm, nuôi tảo xoắn từ khâu ươm giống đến khi thu hoạch đều được kiểm soát chặt chẽ.
  • Theo cách làm của anh Nam: Một bể nuôi tảo 50m² chỉ cần 2 lít tảo giống Spirulina để nhân nuôi. Trong quá trình chăm sóc, cần bố quạt nước, quản lý nhiệt độ đảm bảo từ 25-35 độC; pH 9,5 – 10,5. Thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho tảo trong quá trình nuôi là NaHCO3, NaCO3, NaCl, CO(NH2), NH4H2PO4, MgSO4, K2SO4… Khi thấy độ trong của nước trong bể chỉ khoảng 2cm tức là mật độ tảo trong bể đã có thể thu hoạch. Vào mùa hè mỗi tháng anh thu hoạch được 4 đợt tảo, mỗi đợt cho năng suất 25-30kg, vào mùa đông năng suất thấp hơn đạt 15-20kg/tháng. Sản phẩm tảo anh bán cho đại lý ở Hà Nội về thu mua với giá 1.500.000 đồng/kg, trừ chi phí đi mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng.
  • Trao đổi thêm với chúng tôi về kinh nghiệm nuôi tảo anh nói: “Để có được sản phẩm tảo Spirulina đòi hỏi việc chuẩn bị bể nước và môi trường phải thật sự đảm bảo đúng quy trình, đặc biệt là các yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường. Điều kiện sản xuất giống tảo đòi hỏi phải vô trùng, các thiết bị chai, lọ nuôi cấy phải được hấp sấy tiệt trùng tuyệt đối. Nếu chủ quan, bất cẩn trong khâu nào đó, tảo bị nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn, nhiễm tảo lạ sẽ không phát triển được”. Hiện nay, để làm cơ sở cho việc phát triển sản xuất ra các địa phương trong và ngoài tỉnh, anh đang hoàn tất thủ tục để đăng ký bản quyền nhãn hiệu tảo mang tên “Tảo Bảo Khang”.
  • Mô hình nuôi tảo của gia đình anh Nguyễn Hoàng Nam, ở thôn Phật Tích, xã Phật Tích, Tiên Du là một mô hình hay và mới lạ ở Bắc Ninh. Bởi nó vừa rất mới, cả từ ý nghĩa khoa học đến thực tiễn sản xuất và cả hiệu quả kinh tế. Hy vọng đây sẽ là một hướng đi mới đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nhất là các vùng đô thị, ven đô thị. Từ đó góp phần đa dạng hóa cơ cấu, loại hình sản xuất nông nghiệp của Bắc Ninh trong thời gian tới nếu nhận được sự quan tâm của các cấp các ngành trong tỉnh.

Gọi ngay