Tiềm năng nuôi lươn đồng kết hợp với rau ngổ theo hệ thống Aquaponic
17 Th8
Lươn đồng là một trong những loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nuôi, chi phí đầu tư ít và có thể tận dụng ao hồ sẵn có.
Lươn đồng là một trong những loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Aquaculture
Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường, người nuôi thường nuôi với mật độ cao làm cho môi trường nước ô nhiễm và thay nước hơn 300% hàng ngày đang là vấn đề của nghề nuôi lươn. Vì vậy, việc áp dụng các mô hình, công nghệ nuôi mới giúp cải thiện năng suất nuôi và đem lại lợi nhuận là cần thiết.
Nghiên cứu của Tôn Thị Hồng Thắm và ctv., 2021 đã cho thấy áp dụng mô hình mới trong nuôi lươn đã giảm thiểu được tình trạng thay nước, góp phần giảm ô nhiễm nitrogen trong môi trường và nâng cao năng suất nuôi lươn hạn chế tốn công đồng thời giảm thiểu được những mầm bệnh nguy hiểm trong nuôi lươn.
Thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên gồm 3 nghiệm thức (NT) với 3 hình thức nuôi khác nhau trong vòng 90 ngày gồm:
1) Kết hợp gián tiếp bằng cách hàng tuần sử dụng 100% nước từ bể lươn cung cấp cho bể rau (NT1_lươn, rau).
2) Kết hợp trực tiếp lươn với rau trong cùng một bể (NT2_lươn+rau).
3) Nuôi lươn kết hợp rau theo hệ thống aquaponic (NT3_lươn, rau).
Mô hình thí nghiệm
– A: rau ngổ được trồng từ nước nuôi lươn (NT1)
– B: rau ngổ trồng trong cùng bể với lươn (NT2)
– C, D: rau ngổ trồng trong hệ thống aquaponic (NT3)
Kết quả cho thấy các chỉ tiêu môi trường TAN (0,25-7,41mg/L), NO2-(0,27-1,91 mg/L), NO3-(31,28-57,69 mg/L), PO43-(8,54-9,83 mg/L), trong đó NT3 luôn thấp và ổn định hơn các NT còn lại. Trong thời gian thí nghiệm nitrite ở nghiệm thức 2 và ở bể rau của NT1 luôn có sự dao động lớn và cao hơn các NT còn lại. Ngược lại, nitrite ở NT3 là thấp nhất và luôn ổn định trong suốt thời gian thí nghiệm. Kết quả này cho thấy nitrite được chuyển hóa thành nitrate trong nghiệm thức 3.
Biến động các chỉ tiêu thủy hóa trong quá trình thí nghiệm
– A: tổng đạm amon
– B: nitrite
– C: nitrate và D: phosphate
Tăng trưởng của lươn cao nhất là ở nghiệm thức 2, nhưng không khác biệt với lươn ở nghiệm thức aquaponic-NT3 tương ứng là 0,124 g/ngày và 0,011 cm/ngày, sinh khối rau ngổ cao nhất là nghiệm thức aquaponic là 3,4 kg/m2.
Bên cạnh đó chất lượng nước của bể nuôi lươn và năng suất rau tốt nhất là ở NT3 aquaponic. Nguyên nhân có thể do ở NT3 rau hấp thu đầy đủ dinh dưỡng có trong môi trường qua quá trình chuyển hóa vật chất dinh dưỡng từ nước bể lươn nhờ hệ thống lọc sinh học, ngược lại đối với NT2 rau được trồng chung với lươn, do tập tính lươn là sống chui rúc, cuộn vào rau và hay trườn lên sàn trồng rau vào ban đên nên thân rau ngập hoàn toàn trong nước làm các chồi không phát triển được (đặc biệt là sau mỗi lần thu hoạch) dẫn đến hư thân rau nên năng suất không cao. Trong khi đó, rau ở NT1 phát triển không tốt có thể do hàm lượng dinh dưỡng trong bể không ổn định đặc biệt là TAN và nitrite luôn cao.
Kết quả từ nghiên cứu cho thấy tiềm năng nuôi kết hợp lươn và rau ngổ theo hệ thống tuần hoàn aquaponic đã giúp cải thiện chất lượng môi trường nước nuôi lươn và cải thiện tốc độ tăng trưởng của lươn và năng suất rau ngổ. Đồng thời, rau ngổ là một loài thủy sinh có giá trị dinh dưỡng và dược học cao, đặc biệt dễ trồng có thể giâm ngọn trên đất hoặc bè nổi bên sông, rạch hay ao hồ, do đó rau ngổ có thể được xem là đối tượng có tiềm năng rất lớn và phù hợp để phát triển mô hình aquaponic. Vì vậy việc nghiên cứu phương pháp tối ưu trong nuôi lươn kết hợp trồng rau ngổ là tối ưu nhằm tiết kiệm chi phí, đa dạng mô hình nuôi, giảm ô nhiễm môi trường và tăng năng suất trong mô hình nuôi lươn bền vững.