Tổng cục Thủy sản làm việc với doanh nghiệp thủy sản tiên phong khai thác viễn dương (27-08-2019)

Ngày23/8/2019, tại Tổng cục Thủy sản, Vụ Khai thác đã có buổi làm việc với  Cty XNK Hoàng Kim Việt, đơn vị tiên phong trong việc đưa ngư dân tới các ngư trường thuộc đảo quốc Thái Bình Dương để khai thác. Đây là nội dung liên quan tới đề án “Phát triển nghề khai thác viễn viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018.
Tổng cục Thủy sản làm việc với doanh nghiệp thủy sản tiên phong khai thác viễn dương
Tại buổi làm việc, ông Võ Minh Hùng, Tổng giám đốc Cty XNK Hoàng Kim Việt cho biết, doanh nghiệp hiện có 7 tàu cá, khai thác hải sản tại vùng biển nam Thái Bình Dương. Ngoài trụ sở chính tại TPHCM, Hoàng Kim Việt đã thành lập 2 Cty con tại 2 quốc đảo là Solomon và Vanuatu. Đây là hai quốc đảo có ngư trường rộng lớn, nguồn lợi thủy sản phong phú trong khi cư dân cộng lại chỉ khoảng 900 nghìn người, là cơ hội rất lớn cho Việt Nam để mở rộng ngư trường khai thác. Tại Solomon, doanh nghiệp này đã được Chính phủ nước sở tại cấp giấy phép khai thác, chế biến và xuất khẩu hải sâm, cá đỏ, cá ngừ đại dương. Từ tháng 1/2019, doanh nghiệp đã đưa 30 ngư dân miền Trung đến Solomon để khai thác hải sâm. Ngày 6/5/2019, 2 container hải sâm đầu tiên nguồn gốc Solomon đã được xuất về Việt Nam với tổng sản lượng gần 20 tấn các loại và hiến số lượng hải sâm này đã được doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc. Tại quốc đảo Vanuatu, doanh nghiệp này cũng đã chính thức được cấp phép khai thác hải sâm vào tháng 5/2019. Theo kế hoạch, từ tháng 11/2019, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tổ chức khai thác hải sản tại Solomon, Vanuatu, Tuvalu và Kiribati. Từ 2020, doanh nghiệp sẽ tổ chức khai thác hải sản tại các nước Marshall Islands, Nauru, Samoa. Mặc dù việc khai thác hải sản tại các quốc đảo này gặp nhiều thuận lợi và có những thành quả nhất định nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn như: Phương tiện đánh bắt tại các nước sở tại rất thô sơ, trong khi vùng biển khai thác rộng lớn. Nhân lực và thiết bị hỗ trợ đánh bắt, khai thác và chế biến còn thiếu thốn. Bên cạnh đó, do khoảng cách địa lý rất xa Việt Nam nên chi phí đầu tư và triển khai khai thác rất lớn. Sản phẩm khai thác xong đưa về Việt Nam theo diện nhập khẩu nên rất phức tạp về mặt thủ tục do các quốc đảo này hiện chưa ký kết hợp tác thương mại với Việt Nam. Sau khi trình bày một số hoạt động của doanh nghiệp tại các quốc đảo trên biển Thái Bình Dương, đại diện Cty Hoàng Kim Việt đã đề xuất một số kiến nghị như: sửa đổi Đề án Khai thác viễn dương mở rộng phạm vi các quốc đảo khai thác như Solomon Vanuatu, Tuvalu và Kiribati, Marshall Islands, Nauru, Samoa… Đặc biệt, mong muốn thông qua Tổng cục Thủy sản để đề xuất Nhà nước cấp phép cho doanh nghiệp được xuất khẩu tàu thuyền và ngư dân đến khai thác tại các nước sở tại mà công ty được phép khai thác và đánh bắt hải sản. Theo đó, doanh nghiệp sẽ mua lại các tàu cá của ngư dân Việt Nam, sau đó cắt đăng kiểm tại Việt Nam, nhập vào các Cty con thành lập trước đó tại Solomon và Vanuatu. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm mời các nước nhập khẩu qua Việt Nam kiểm tra chất lượng, hướng dẫn thủ tục trước khi xuất khẩu tàu cá. Doanh nghiệp cũng đề nghị Nhà nước hỗ trợ các chi phí để đưa tàu thuyền và ngư dân đến các nước sở tại như hỗ trợ chi phí nhiên liệu, chi phí bảo hiểm tàu, con người. Hỗ trợ cơ chế chính sách cho doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ cơ chế kiểm dịch khi nhập các sản phẩm vào Việt Nam… Đại diện Vụ Khai thác thủy sản, ông Nguyễn Phú Quốc (Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản) đánh giá cao những việc làm tiên phong và hiệu quả của Cty Hoàng Kim Việt. Đồng thời khẳng định, ngành thủy sản sẽ có trách nhiệm để tham mưu Bộ NN-PTNT, Chính phủ đàm phán làm việc với các nước để hợp tác khai thác thủy sản. Trong thời gian đó, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định của nước sở tại. Tuy nhiên, hiện tại đề xuất xuất khẩu tàu đánh cá của doanh nghiệp chưa nằm trong đề án “Phát triển nghề khai thác viễn viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước” được sự phê duyệt của Chính phủ, cũng như các quốc đảo mà doanh nghiệp được phép khai thác cũng không nằm trong danh sách các vùng biển nước ngoài được khai thác trong Đề án. Vì thế khi thực hiện, doanh nghiệp không được hưởng toàn bộ ưu đãi theo Đề án. Vụ Khai thác thủy sản cũng gợi ý doanh nghiệp, ngoài khai thác, có thể nhập hàng hóa của ngư dân bản địa, chế biến tại đó rồi đưa về Việt Nam để tăng hiệu quả kinh tế. “Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17 tháng 08 năm 2018. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí nhiên liệu; chi phí mua bảo hiểm; thiết bị thông tin và ưu đãi về thuế cho các đối tượng tha m gia. Cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ một lần 100% chi phí nhiên liệu 1 chuyến đi (1 lượt đi) cho các tàu cá xuất bến từ cảng Việt Nam đến vùng biển các nước có hợp tác khai thác; hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% chi phí mua bảo hiểm thuyền viên làm việc trên tàu cá… Thu Hiền

Gọi ngay