hướng tới công nghệ nuôi cá tra tiên tiến

  • Nằm trong chương trình hoạt động hợp tác của dự án Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản Việt Nam – Đan Mạch (VIDATEC), sáng ngày 24/04/2014, Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ đã cùng phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề “Hướng tới công nghệ nuôi cá tra tiên tiến”.
  • Tham gia hội thảo gồm đông đảo đại diện các cán bộ quản lý Chi cục Thủy sản, Trung tâm Giống Thủy sản địa phương cùng các hộ nông dân nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.
  • Bên cạnh mục tiêu chính là đánh giá lại hiện trạng và những khó khăn trong sản xuất cá tra, trao đổi thông tin với các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm thiết lập nhu cầu tập huấn kỹ thuật để phát triển kỹ thuật công nghệ nuôi cá tra tiên tiến….Đây cũng là dịp để Khoa phối hợp hành động cùng với VIDATEC tiến hành quảng bá các sản phẩm, thiết bị công nghệ nhằm thúc đẩy quá trình nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ tiên tiến đến từ Đan Mạch trong các hoạt động nuôi trồng thủy sản nói chung và ngành cá tra nói riêng. Ngoài ra, tại hội thảo, Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ còn trình bày các kết quả nghiên cứu mới nhất về vai trò của Ôxy hòa tan trong ao nuôi cá tra thâm canh.
  • Theo kết quả nghiên cứu từ đề tài “Oxy hòa tan trong ao nuôi cá tra thâm canh” do PGS.TS Đỗ Thị Thanh Hương làm chủ nhiệm thì cá tra sống và hoạt động chủ yếu ở tầng mặt (0,5m) trong khi ao nuôi cá tra thâm canh thì rất sâu, thông thường từ 4,0-4,5m và được nuôi với mật độ dày, nên hiện tượng hiếu hụt oxy hòa tan trong ao nuôi vào những giờ cao điểm (22h- 9h) hoặc ở những tầng nước sâu hơn là không thể tránh khỏi. Chính vì thế cung cấp oxy cho ao nuôi bằng hình thức sục khí sẽ giúp gia tăng hàm lượng oxy hòa tan trong nước, giảm một số khí độc trong ao nuôi từ đó giúp cá có thể sống ở các tầng nước sâu hơn và phân bố đều hơn ở các tầng nước trong ao.
  • “Khi hàm lượng oxy hòa tan thấp, cá thường tăng cường lấy oxy từ không khí buộc cá phải di chuyển lên tầng mặt làm mất năng lượng, làm giảm tốc độ tăng trưởng. Chính vì thế, không dừng lại ở đó, khi ao nuôi được tăng cường oxy hòa tan bằng cách sục khí sẽ giúp cá giảm tiêu tốn năng lượng, giảm stress, cải thiện tốc độ sinh trưởng, tăng mật độ nuôi, sản lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn của cá”- PGS.TS. Đỗ Thị Thanh Hương cho biết.
  • Với thế mạnh về những thiết bị, công nghệ xác định và kiểm soát các chỉ tiêu môi trường ao nuôi trong đó có chỉ tiêu hàm lượng oxy hòa tan, VIDATEC kỳ vọng thông qua những thiết bị, công nghệ này, cùng với các chương trình đào tạo ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam mà trước tiên là ngành cá tra sẽ nâng cao được hiệu quả, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường với kết quả hợp tác kỳ vọng đạt được sẽ giúp gia tăng 100% sản lượng nuôi trồng của Việt Nam vào năm 2016.
  • Hệ thống nuôi tuần hoàn ở Đan Mạch. Nước liên tục chảy qua các bộ lọc cơ và sinh học do đó đảm bảo chất lượng nước đồng thời hạn chế được việc thay nước
  • Đại diện nông dân nuôi cá, ông Nguyễn Hữu Nguyên – Chủ nhiệm HTX cá tra Châu Phú (huyện Châu Phú, An Giang) – cho biết vô cùng thích thú và mong muốn có cơ hội hợp tác, tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới từ Đan Mạch trong nuôi trồng thông qua chương trình hoạt động của dự án VIDATEC. “Nông dân chúng tôi xưa nay chỉ nuôi theo cách truyền thống, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Tôi mong VIDATEC sẽ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng phạm vi ứng dụng, xây dựng mô hình thí điểm, trình diễn để kiểm tra chính xác tính xác thực của các trang thiết bị công nghệ cũng như tạo điều kiện để nông dân cơ hội tiếp cận, tham quan mô hình mẫu. Đây là cơ hội tốt để chúng tôi tiếp cận và chuyển hướng nuôi trồng theo hướng không những tiên tiến mà còn mang lại hiệu quả tốt nhất” – ông Nguyễn Hữu Nguyên phát biểu.  
Đỗ Văn Thông – Thương mại thủy sản, 6/2014

Gọi ngay