Quy trình nuôi cá tra thịt trắng phục vụ xuất khẩu

  • Cá tra là một trong những đối tượng nuôi xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản nước ta hiện nay. ở ÐBSCL cá được nuôi chủ yếu trong ao do năng suất cao (200 – 400 tấn/ha) và chi phí đầu tư thấp so với nuôi bè. Do thịt cá Tra nuôi trong ao thường có màu vàng, các nông hộ đã áp dụng biện pháp thay nước thường xuyên để thịt cá nuôi trắng. Tuy vậy, tỷ lệ thịt trắng ở các nông hộ không ổn định đồng thời thay nước nhiều thì cá dễ bị bệnh. Trong nghiên cứu này đề tài đã áp dụng biện pháp sục khí đáy kết hợp với thay nước có kiểm soát để bố trí thí nghiệm xác định thông số của quy trình kỹ thuật nuôi cá Tra thịt trắng. Thí nghiệm được bố trí trong 3 ao tại Vĩnh Long có diện tích 2.700 – 5.000m2, mật độ cá thả 15,3 – 22,2 con/m2, sử dụng thức ăn sản xuất theo công thức của đề tài. Tỷ lệ thịt trắng của cá Tra nuôi theo quy trình này đạt 71 – 75%; chi phí sản xuất 1 kg cá Tra thịt trắng của đề tài (7.053 đ/kg) thấp hơn chi phí bình quân cho 1 kg cá thịt trắng (7.279 đ/kg) nuôi tại An Giang áp dụng biện pháp thay nước.
  • II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
  • 1. Ðịa điểm
  • Ðề tài Nghiên cứu kỹ thuật nuôi cá tra thương phẩm trong ao đất đạt tiêu chuẩn thịt trắng phục vụ xuất khẩu được tiến hành tại Trại giống Minh An – ấp Cái Cạn 2, Xã Mỹ An, Huyện Măng Thít, Vĩnh Long.
  • 2. Bố trí thí nghiệm
  • 2.1 Nuôi cá trong ao đất tại Vĩnh Long
  • Bảng 1. Mật độ và cỡ cá thả nuôi ở các ao thí nghiệm
  • Ao nuôi 
    1 2 3
    Thời gian nuôi (tháng) 6 11 11.5
    Diện tích (m2) 2.700 5.000 3.000
    Số cá thả (con) 60.000 95.000 46.000
    Mật độ (con/m2) 22,2 19,0 15,3
    Trọng lượngTB cá thả (g/con) 37,5 66,7 125,0
  • Ðể xây dựng quy trình nuôi cá tra thương phẩm trong ao đất đạt tỷ lệ thịt trắng trên 70%, đề tài đã tiến hành thí nghiệm trong ao 1 để rút ra một số thông số cho việc xây dựng quy trình sơ bộ. Sau đó, thí nghiệm được lặp lại trong ao 2 và ao 3 để khẳng định quy trình. Chi tiết về các ao nuôi được trình bày trong bảng 1.
  • 2.2 Thức ăn dùng trong thí nghiệm
  • Thức ăn viên C534A (18% prôtêin) và T505 (18% prôtêin) đuợc dùng trong giai đoạn đầu khi nông hộ chưa tự sản xuất thức ăn. Thức ăn 25%, 22%, 20% và 18% prôtêin sản xuất tại nông hộ theo công thức ghi ở bảng 2 thành dạng viên có đường kính 6mm; 8 mm; 10 mm và 12 mm.
  • Bảng 2: Công thức thức ăn 25% prôtêin và 22% prôtêin sản xuất tại nông hộ
  • Nguyên liệu (%)

    Công thức thức ăn theo tỷ lệ prôtêin (%)

    25

    22 20 18
    Cá lạt 18,00 16,00 8,00 8,00
    BDÐN 20,00 15,00 15,00 8,00
    Cám gạo trích ly 30,00 25,00 45,82 52,78
    Cám lau 20,00
    Cám lúa mì 20,00 10,00 20,00 20,00
    Bột khoai mì 10,03 10,50 8,00 8,00
    Premix vitamin 1,00 1,00 1,00 1,00
    Stay C 35% 0,02 0,02 0,02 0,02
    Chất kết dính 0,30 0,30 0,30 0,30
    Mỡ cá (ba sa) 0,50 2,00 1,80 1,80
    Lysine 0,05 0,15
    Methonine 0,10 0,30 0,06 0,10
  • III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
  • 1. Ðiều tra tình hình nuôi cá tra thịt trắng ở Cần Thơ và Ðồng Tháp
  • Kết quả tổng kết tình hình nuôi cá tra thịt trắng tại 47 nông hộ ở Thốt Nốt (Cần Thơ) và 27 hộ ở Hồng ngự (Ðồng Tháp) cho thấy 
  • – Chất đất ở các ao nuôi thịt trắng ở Thốt Nốt chủ yếu là đất sét và bùn cát, ao nuôi có độ sâu khoảng 2,5 – 3,0m thuận tiện cho việc cấp và thoát nước hơn các ao sâu 5 – 6m ở Hồng ngự.
  • – Ao nuôi ở Thốt Nốt được cải tạo kỹ, nạo vét bùn đáy, phơi đáy ao nên tỷ lệ thịt trắng thường đạt cao hơn cá nuôi ở Hồng Ngự.
  • – Thức ăn: trong 1 tháng đầu cho cá ăn thức ăn công nghiệp, từ tháng thứ 2 trở đi cho ăn thức ăn nấu chín do nông hộ tự chế biến. Không dùng các nguyên liệu có màu vàng để chế biến thức ăn cho cá. Các nguyên liệu cung cấp đạm chủ yếu là cá biển tươi hoặc cá Linh, phụ phẩm của cá ba sa, khô cá lạt xay, bánh dầu đậu nành. Ðộ ẩm của thức ăn nông hộ dao động trong khoảng 40 – 60%, hàm lượng prôtêin 9-14%. Theo các nông hộ thì cho cá ăn thức ăn đã bị ôi thiu thịt cá sẽ có màu vàng.
  • – Chế độ thay nước: Thay nước càng nhiều thì thịt cá nuôi càng trắng, từ tháng nuôi thứ 2 trở đi 5-6 ngày thay nước 1 lần, lượng nước thay khoảng 30%. Khi cá lớn sắp xuất bán, mỗi tuần thay nước 5 – 6 lần, lượng nước thay khoảng 20 – 30% mực nước trong ao, có khi thay tới 50% lượng nước trong ao. Tuy nhiên vào mùa nước đổ nếu thay nước nhiều thì thịt cá sẽ bị vàng và cá dễ bị bệnh.
  • – Bệnh cá: cá tra nuôi mật độ cao thường bị lở loét do ký sinh gây ra. Năm 1999-2000 cá tra bị bệnh, chết nhiều với biểu hiện xuất huyết ở miệng và vùng hầu, nổ 1 bên mắt, thận sưng, có những đốm trắng ở gan, thận. Bệnh cá cũng ảnh hưởng đến tỉ lệ thịt trắng: nếu cá nuôi bị bệnh nhiều lần trong thời gian nuôi thì thịt cá dễ bị chuyển sang màu vàng và tỷ lệ thịt trắng đạt được sẽ thấp (dưới 40%).
  • – Cá nuôi lớn nhanh, đạt trọng lượng 0,8-1,2 kg/con sau 5 – 6 tháng nuôi thì tỷ lệ thịt trắng sẽ cao (>70%). Nếu thời gian nuôi kéo dài (thường là do không xuất bán được) thì tỉ lệ thịt trắng sẽ không cao.
  • – ở cỡ cá nhỏ khoảng 0,4-0,6 kg/con, nếu thời gian nuôi ngắn (3 – 4 tháng) thì tỷ lệ thịt trắng đạt thường đạt trên 80%, cũng có khi lên đến 100%.
  • * Từ các kết quả trên, có thể rút ra một số nhận xét để làm cơ sở cho việc bố trí thí nghiệm nuôi cá tra thịt trắng:   
  • Môi trường ao nuôi sạch thì thịt cá nuôi sẽ trắng. Do vậy, các giải pháp kỹ thuật để quản lý tốt môi trường ao nuôi đều có thể áp dụng trong nuôi thâm canh cá tra để cá nuôi có thịt trắng.
  • Cá nuôi bị bệnh chủ yếu do các yếu tố môi trường bị thay đổi đột ngột, việc giữ cho môi trường ao nuôi ổn định sẽ hạn chế được bệnh cá.
  • Chất lượng nguyên liệu để làm thức ăn và độ tươi của thức ăn cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ thịt trắng và tăng trưởng của cá nuôi.
  • 2. Nuôi cá trong ao đất tại Vĩnh Long
  • 2.1. Biến động các chỉ tiêu thủy hóa
  • Biến động các yếu tố môi trường trong các ao 1, 2, 3 được trình bày ở bảng 3.
  • Bảng 3. Biến động các chỉ tiêu thủy hóa trong 3 ao nuôi
  • Ao nuôi
    Chỉ tiêu 1 2 3
    Ðộ trong (cm) 17 – 24 16 27 15 – 26
    Nhiệt độ(oC) 28,7 – 30,8 28,6 – 34,0 28,5 – 33,5
    pH 6,7 – 7,6 6,9 – 7,3 6,7 – 7,4
    DO (mg/l) 1,1 – 2,5 1,9 – 3,3 1,3 – 2,5
    COD (mgO2/l) 7,9 – 11,1 6,4 – 11,4 10,3 – 15,5
    N-NH3 (mg/l) 0,05 – 0,45 0,08 – 0,29 0,12 – 0,27
  • a. Ðộ trong
  • Ðộ trong của 3 ao có xu hướng giảm dần vào cuối kỳ nuôi, chủ yếu do hoạt động bơi lội bắt mồi của một lượng lớn cá tra trong ao. Ðộ trong dao động trong khoảng 15 – 27 cm.
  • b. Nhiệt độ
  • Nhiệt độ trong ao 1 biến động không nhiều, khoảng 28,7 – 30,8oC trong 6 tháng nuôi. ở ao 2 và ao 3 biến động nhiệt độ lần lượt là 28,6 – 4,0 và 28,6 – 34,0oC. Chênh lệch nhiệt độ nước trung bình giữa sáng và chiều trong các ao trong khoảng 1,0 – 2,0 độ C.
  • c. pH và N-NH3
  • pH của các ao nuôi ở trong giới hạn thích hợp cho cá phát triển. Trong 6 tháng nuôi pH ao 1 biến động trong khoảng 6,77,6. Giá trị pH đo được ở ao 2 và ao 3 lần lượt là 6,97,3 và 6,77,4 trong 11 tháng nuôi. pH của nước trong ao vào buổi sáng và buổi chiều chênh lệch khoảng 0,2 do trong ao nuôi gần như không có tảo.
  • N-NH3 ở ao 1 biến động trong khoảng 0,05-0,45 mg/l. Giá trị N-NH3 ở các ao 2, 3 là 0,08 0,29 và 0,120,27 tuy nhiên vẫn trong giới hạn cho phép của nước nuôi thủy sản. Vào cuối kỳ nuôi N-NH3 không cao có thể là do tác dụng của việc định kỳ sử dụng formol để phòng bệnh cho cá nuôi, theo Chiayvareesajja và Boyd 1993, thì formol ở nồng độ 10ppm có tác dụng làm giảm đáng kể hàm lượng N-NH3 trong ao nuôi cá.
  • d. Ôxy hoà tan
  • Giá trị trung bình của DO đo tại ao 1 vào buổi sáng sớm biến động trong khoảng 1,1-2,5mg/l trong 6 tháng nuôi. Trong 11 tháng nuôi, ôxy hoà tan trong ao 2 khoảng 1,9 -3,3mg/l ; hàm lượng DO trong ao 3 là 1,3 – 2,5 mg/l.
  • Sục khí đáy liên tục ở mức 22 – 24 giờ/ngày trong những tháng cuối kỳ nuôi thì DO đo được không thấp hơn 1,9 mg/l.
  • e. COD
  • COD trong các ao có khuynh hướng tăng dần theo thời gian, khi lượng chất thải của cá và thức ăn dư thừa tích tụ ngày càng nhiều trong ao. Biến động của COD trong ao 1 khoảng 7,9 11,1 mgO2/l. Trong 11 tháng nuôi, COD ở ao 2 dao động từ 6,4 11,4mg O2/l. Giá trị COD ở ao 3 đo được trong thời gian nuôi là 10,3 15,5 mgO2/l.
  • Sở dĩ COD trong ao nuôi không cao do tăng cường sục khí vào buổi trưa và chiều từ tháng nuôi thứ 5, để đẩy nhanh tiến trình khoáng hóa các chất hữu cơ. Mặt khác, sục khí cũng góp phần làm giảm COD trong môi trường bởi vì, theo Rubin và ctv (1963) thì các chất hữu cơ hoà tan có thể bị đuổi ra khỏi môi trường nước theo 2 cơ chế: (a) các chất hữu cơ hòa tan, hoạt động bề mặt sẽ bị hấp thu tại giao diện nước – khí và bị thu gom vào trong các bọt khí, (b) các chất hữu cơ hòa tan, không hoạt động bề mặt sẽ kết hợp với các chất tan, hoạt động bề mặt và sau đó bị tập trung vào các bọt khí.
  • 2.2. Kết quả nuôi cá tra trong ao đất
  • a. Tăng trưởng của cá nuôi
  • Sau 6 tháng nuôi, tăng trưởng của cá ở ao 1 là 1.106g. Trọng lượng bình quân của cá nuôi ở ao 2 là 1.812g sau 11 tháng nuôi và ở ao 3 là 1.990g sau 11,5 tháng nuôi. ở các ao 2 và 3, cá nuôi tăng trưởng tốt trong 8 tháng đầu, những tháng sau tốc độ tăng trưởng của cá chậm đi do khẩu phần thức ăn của cá bị cắt giảm (do vụ kiện cá tra, ba sa – xí nghiệp đông lạnh không thu mua).
  • b. Kết quả thu hoạch và tỷ lệ thịt trắng
  • Kết quả thu hoạch và tỷ lệ thịt trắng của cá ở các ao 1, 2 và 3 được trình bày trong bảng 4.
  • Bảng 4 : Kết quả thu hoạch cá tra nuôi trong ao 2 và ao 3
  • Ao nuôi Sản lượng thu hoạch (kg) Tỷ lệ sống (%)

    FCR

    Tỷ lệ thịt trắng (%)
    1 59.000 88,91 1,76 71,43
    2 153.000 88,78 1,99 75,00
    3 82.500 90,09 2,06 70,00
  • Theo bảng 5, tỷ lệ sống của cá Tra nuôi dao động trong khoảng 88 – 90%. Sản lượng cá thu hoạch ở ao 1 sau 6 tháng nuôi là 59 tấn (năng suất 218,5 tấn/ha); Sản lượng cá thu ở ao 2 sau 11 tháng nuôi là 153 tấn (năng suất 306 tấn/ha); Sản lượng cá thu hoạch ở ao 3 sau 11,5 tháng nuôi là 82,5 tấn (năng suất 275 tấn/ha). Hệ số chuyển đổi thức ăn FCR của thức ăn nuôi cá ở ao 2 và ao 3 (1,99 và 2,06) cao hơn so với FCR của thức ăn nuôi cá trong ao 1 do thời gian nuôi bị kéo dài (11 – 11,5 tháng). Tỷ lệ cá nuôi thịt trắng đạt được ở ao 1, ao 2 và ao 3 lần lượt là 71,48%; 75% và 70%. Như vậy, việc áp dụng biện pháp sục khí đáy kết hợp với thay nước có kiểm soát trong ao nuôi thâm canh cá tra cho kết quả ổn định, tỷ lệ thịt trắng đạt trên 70%.
  • c. Chi phí nuôi 1 kg cá tra thịt trắng
  • Chi phí cho 1 kg cá tra thịt trắng nuôi ở ao 1 là 7.053 đồng/kg. Với chi phí này người nuôi cá sẽ có mức lời cho mỗi kg cá bán cho các xí nghiệp đông lạnh khoảng 200 đồng so với chi phí bình quân cho 1kg cá tra nuôi hầm ở An Giang là 7.279 đồng/kg. (Chi phí nuôi 1kg cá tra thịt trắng ở ao 2 và ao 3 bị đội lên khá cao do ảnh hưởng của vụ kiện cá tra, ba sa nên làm cho thời gian nuôi kéo dài).
  • 2.3 Nhận xét :
  • Từ các kết quả nuôi, đề tài có một số nhận xét như sau:
  • Quản lý ao nuôi tốt góp phần quan trọng hôỗ trợ cho phương pháp sục khí đáy kết hợp thay nước có kiểm soát.
  • Sục khí đáy có thể bắt đầu vận hành khi sinh khối cá trong ao đạt trên 2 kg/m3, thời gian vận hành là 12 giờ/ngày. Khi sinh khối cá trong ao đạt xấp xỉ 6 kg/m3, cần vận hành sục khí đáy 24 giờ/ngày để COD trong ao không tăng cao.
  • áp dụng biện pháp sục khí đáy trong ao nuôi cá tra mật độ 15 – 22 con/m2 kết hợp với thay nước có kiểm soát thì hàm lượng COD sẽ ổn định ở mức thấp hơn 15,5 mgO2/l và tỷ lệ thịt trắng đạt trên 70%.
  • 3. Kết quả nuôi cá tra thịt trắng trong ao đất
  • 3.1 Chuẩn bị ao
  • Chuẩn bị ao theo các mục 5,6,7,8 của 28 TCN 62-79. Ao phải đạt độ sâu (3m, độ dốc mái bờ 1:1). Bờ ao phải cao hơn mực nước cao nhất trong năm ít nhất là 0,5m.
  • Lắp đặt hệ thống sục khí đáy
  • Hệ thống sục khí đáy được lắp đặt trước khi thả cá, gồm:
  • – 01 máy dầu D10 (có thể thay thế bằng 01 mô tơ 3CV) nếu diện tích ao nuôi từ 3.000 -5.000m2.
  • – 01 supercharge.
  • – 01 dàn khung sắt cố định máy và supercharge.
  • – 01 ống cấp khí chính F60mm (nhựa PVC).
  • Các ống cấp khí phụ F21mm (nhựa mềm) đã dùi lỗ để thoát khí, chiều dài ống bằng chiều rộng của ao nuôi.
  • – Các van bằng nhựa để điều chỉnh lượng khí thoát ra và các ống giảm F60mm – 21mm (các ống giảm 21 có răng phía trong) để gắn ống nhựa.
  • Hệ thống ống dẫn khí được lắp đặt cách đáy ao 0,5m, ống cấp khí F60mm được lắp đặt ở 1 bên bờ ao (cùng bên với máy dầu & supercharge). Các ống phụ bằng nhựa mềm gắn một bên của ống chính, song song với nhau, cách nhau khoảng 4m. Các ống phụ được cố định bằng tầm vông và dây cột.
  • 3.2 Thả giống
  • Cá giống thả nuôi phải đạt yêu cầu chất lượng theo 28 TCN 170-2001.
  • 3.3 Quản lý cho ăn và theo dõi tình hình sức khỏe cá nuôi
  • a. Quản lý cho ăn
  • Thức ăn cho cá : theo 28 TCN 188:2004. Cỡ cá 5-20g (30% prôtêin), cỡ 20 – 200g (26% prôtêin), cỡ 200 – 500g (22% prôtêin), cỡ >500g (18% prôtêin). Cho ăn 4 lần/ngày vào lúc 6 giờ sáng, 11 giờ, 17 giờ, và 21 giờ.
  • Mỗi tháng kiểm tra cá 1 lần, cân 30 cá thể để ước tính lượng thức ăn cho cá. Thức ăn được điều chỉnh hằng ngày theo khả năng ăn của cá để hạn chế thức ăn dư thừa.
  • b. Theo dõi tình hình sức khoẻ cá nuôi
  • – Hằng ngày theo dõi hoạt động bơi lội và bắt mồi của cá để có thể sớm phát hiện bệnh. Ðịnh kỳ dùng formol 10 ppm để ngừa bệnh ký sinh ngoài da (2 tuần/lần). Nếu cá bị bệnh, khử trùng nước ao bằng formol 15ppm hoặc dùng BestaquamS 0,4ppm. Cho cá ăn thức ăn có trộn thuốc kháng sinh theo hướng dẫn (không dùng các loại thuốc và hoá chất bị cấm).
  • 3.4 Quản lý môi trường ao nuôi
  • a. Quản lý ao nuôi
  • Dùng vôi rải quanh bờ ao trong mùa mưa để ổn định pH, dùng zeolite với lượng 40 kg/1600m2 ao để cải thiện chất lượng môi trường đáy ao.
  • b. Quản lý chất lượng nước ao
  • Hằng ngày, theo dõi các chỉ tiêu : độ trong, nhiệt độ, pH, ôxy hoà tan (dùng test), định kỳ đo chỉ tiêu COD (nếu có điều kiện).
  • Lượng nước thay tối đa (5-10%/ngày) khi:
  • – Sục khí đã vận hành hết công suất nhưng COD trong ao vẫn ở mức cao
  • – Ôxy hoà tan buổi sáng sớm < 1mg/l.
  • c. Chế độ sục khí
  • Chế độ sục khí phụ thuộc vào kết quả đo chỉ tiêu DO, COD (nếu có) kết hợp với hoạt động hô hấp của cá buổi sáng sớm và mức độ bắt mồi của cá.
  • Chế độ sục khí (giờ) trong ngày:
  • – Sục khí 12 giờ, từ 17.00 đến 5.00 giờ sáng hôm sau khi sinh khối cá trong ao đạt khoảng 2,5 kg/m3.
  • – Sục khí 24 giờ khi sinh khối cá trong ao đạt 6 kg/m3.
  • – Tăng cường sục khí vào các thời điểm: 5.00 – 7.00; 5.00 – 10.00; 13.00 – 17.00 giờ khi DO<1 mg/l.
  • – Sục khí 22 – 24 giờ/ngày khi COD > 15 mg02/l.
  • 3.5 Thu hoạch
  • Thu hoạch toàn bộ cá trong ao nuôi, sau khi thu hoạch tát cạn ao và cải tạo ao chuẩn bị cho vụ nuôi kế tiếp. Nước thải từ ao nuôi phải được xử lý trước khi thải ra môi trường.
  • IV. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
  • 1. Kết luận
  • 1. Biện pháp sục khí đáy kết hợp với thay nước có kiểm soát áp dụng trong các ao nuôi cá tra công nghiệp ở Măng Thít, Vĩnh Long cho kết quả chất lượng môi trường nước nuôi ổn định, COD ( 15,5 mg O2/l. Tỷ lệ thịt trắng của cá tra nuôi lần lượt là 71% (ao 1), 75% (ao 2) và 70% (ao 3).
  • 2. Với mật độ thả từ 15,3 – 22,2 con/m2, năng suất cá tra nuôi ở các ao 1, 2, 3 tương ứng là 218,5 tấn/ha, 306 tấn/ha và 275 tấn/ha.
  • 3. Quy trình kỹ thuật nuôi thâm canh cá tra thương phẩm thịt trắng có thể áp dụng cho các ao nuôi ở ÐBSCL với tỷ lệ thịt trắng đạt ổn định (70%), chi phí cho 1 kg cá tra thịt trắng thấp hơn hoặc bằng chi phí của việc áp dụng biện pháp thay nước.
  • 2. Ðề xuất
  • 1. Cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về cơ chế ảnh hưởng đến sự hình thành sắc tố gây màu vàng trong thịt cá tra nuôi và tương quan giữa hàm lượng sắc tố xanthophyll và màu vàng ở thịt cá tra nuôi.
  • 2. Ðề nghị ứng dụng kỹ thuật nuôi cá tra thương phẩm thịt trắng với quy mô rộng để phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Bạch Thị Quỳnh Mai, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Thái Dương, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II – Thông tin KHCN & Kinh tế thủy sản 08/2005

Gọi ngay