TRIỂN VỌNG TỪ MÔ HÌNH NUÔI TÔM MỚI

Vừa qua, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (phường Long Hương, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã đầu tư thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn, khép kín (RAS) trong nhà màng. Mô hình đã có những thành công bước đầu, mở ra hướng đi mới cho ngành nuôi tôm của tỉnh. Thời gian của mỗi vụ tôm nuôi bằng công nghệ RAS được rút ngắn khá nhiều so với thông thường.  Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (phường Long Hương, TP.Bà Rịa) cho biết, HTX đang có khoảng 100ha diện tích nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng trong ao đất. Tuy nhiên, những năm gần đây thời tiết diễn biến thất thường khiến năng suất, sản lượng tôm nuôi không ổn định, đôi khi còn mắc dịch bệnh và chết hàng loạt. Do đó, Ban Giám đốc HTX đã đi tìm tòi, nghiên cứu các mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại miền Tây. “Từ đó, chúng tôi đã lựa chọn và triển khai nuôi tôm siêu thâm canh bằng công nghệ tuần hoàn nước trong nhà màng (gọi tắt là RAS) tại TP. Bà Rịa. Đây là lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng trên địa bàn tỉnh. Mô hình này giúp giảm sự phụ thuộc vào thời tiết, đồng thời tăng năng suất, chất lượng tôm thương phẩm”, ông Chuyên cho hay. Theo Thạc sĩ Phạm Văn Tình, chuyên gia kỹ thuật của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng cho biết, hệ thống lọc nước tuần hoàn đã được nghiên cứu và ứng dụng ở Na Uy, Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc và được áp dụng thành công tại một số tỉnh miền Tây… để phục vụ các trại sản xuất giống và nuôi tôm thâm canh. Cụ thể, nguồn nước thải ra khi nuôi tôm sẽ được chảy tuần hoàn qua các bể lắng, lọc để xử lý. Sau khi đạt đủ điều kiện, nguồn nước này được đưa trở lại ao nuôi tái sử dụng. Vì chất lượng nguồn nước, các thông số kỹ thuật như độ mặn, tỷ lệ oxy trong nước được kiểm soát nên công nghệ nuôi này giúp tôm có tỷ lệ hao hụt thấp, năng suất gấp nhiều lần nuôi bình thường, chất lượng bảo đảm và không gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải. Việc nuôi tôm trong nhà màng cũng giảm nguy cơ dịch bệnh do ảnh hưởng từ điều kiện thời tiết bên ngoài. Tổng số vốn đầu tư để nuôi tôm bằng công nghệ RAS trên diện tích ao 2.000m2 khoảng 5 tỷ đồng. Tính đến nay, HTX đã thu hoạch vụ đầu tiên và nhận được những kết quả rất khả quan. Thạc sĩ Phạm Văn Tình cho biết thêm: “Trong vụ đầu tiên, HTX thả nuôi thử nghiệm với mật độ trung bình 500 con/m2, gấp 5-7 lần phương pháp bình thường. Đến nay, sau hơn 3 tháng thả nuôi, chúng tôi vừa thu hoạch vụ đầu tiên với năng suất 20 tấn/2.000m2. Với giá tôm thẻ đang ở mức 140 ngàn đồng/kg (loại tôm 30-33 con/kg), chúng tôi thu lãi 500-600 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, tôm cũng phát triển nhanh hơn nên vụ tôm chỉ kéo dài từ 3-3,5 tháng thay vì hơn 4 tháng như trước đây. Do đó, HTX có thể làm 3 vụ tôm/năm mà không phụ thuộc vào mùa và thời tiết”. Ông Nguyễn Hữu Thi, Trưởng Phòng Nuôi trồng, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, tính đến nay, tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh khoảng 3.400ha, với hơn 600ha nuôi tôm theo hình thức công nghiệp. Trong đó, chủ yếu là các hệ thống nuôi tôm mở. Tuy nhiên, hình thức nuôi này đang dần gặp nhiều khó khăn, do một số nhược điểm: phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu; ao có diện tích lớn nên khó kiểm soát và xử lý kịp thời trước những biến động của các thông số môi trường nước; sử dụng rất nhiều nước để thay nước cho các ao, trong khi nhiều địa phương đang thiếu nước và gặp nguy cơ xâm nhập mặn; không cách ly được khi có dịch bệnh xảy ra ở khu vực lân cận. Ông Thi cho biết: “Vừa qua, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng và một số DN, cá nhân tại huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ đã áp dụng mô hình nuôi tôm theo công nghệ tuần hoàn nước RAS và bước đầu đem đến tín hiệu tích cực. Đây là hướng đi mới, có tiềm năng lớn bởi giúp người nuôi phần nào yên tâm trước sự biến đổi khó lường của thời tiết; đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một diện tích đất nhờ có thể nuôi tôm với mật độ cao do áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, các DN và người nuôi tôm cần cẩn trọng, nghiên cứu kỹ quy trình, kỹ thuật nuôi khi áp dụng mô hình này nhằm tránh rủi ro trong sản xuất”.

Gọi ngay